Trong cuốn sách nổi tiếng “Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường” Philip A. Fisher đã đưa ra 15 tiêu chí để lựa chọn một cổ phiếu thường. Nếu một cổ phiếu không đạt được ít nhất từ 10 tiêu chí trở lên thì ông sẽ khó mà bỏ tiền ra để đầu tư. Đó cũng là nền tảng giúp ông có thể được coi là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất.
Cuốn sách sẽ mang lại cho bạn một cái nhìn toàn diện, từ những vấn đề hết sức cụ thể như sức mạnh của “lời đồn đại”, nên mua gì, khi nào, những điều nhà đầu tư cần tránh, cách tìm ra một cổ phiếu tiềm năng… cho đến phương pháp hình thành một triết lý đầu tư đem lại hiệu quả cao. Fisher đã chỉ ra rằng có hai cách để thu được lợi nhuận đầu tư lớn nhất: thứ nhất là mua cổ phiếu khi thị trường đi xuống và đợi lúc thị trường hồi phục; hoặc áp dụng cách thứ hai ít rủi ro hơn và lợi nhuận tiềm năng lớn hơn, đó là đầu tư vào một số công ty đang tăng trưởng liên tục và thu lợi nhuận hàng năm. Để tìm được chính xác những công ty như vậy, ông cũng đưa ra 15 luận điểm lựa chọn cổ phiếu và những thành tố cần có cho một khoản đầu tư hiệu quả.
Tiêu chí 1:
“Liệu công ty có những sản phẩm và dịch vụ có đủ tiềm năng, thị trường đủ lớn để tăng doanh thu ít nhất trong vài năm tới không?”
Ở đây cụm từ ông muốn nhấn mạnh là có tiềm năng phát triển trong vài năm tới chứ không chỉ đơn giản là trong thời gian đã qua hoặc hiện tại. Có thể thành tích của cổ phiếu đó trong quá khứ rất tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa trong những năm tiếp theo sẽ được như vậy.
Tiêu chí 2:
“Bộ máy quản lý của công ty có quyết tâm tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm hay những quy trình sản xuất, nhằm gia tăng hơn nữa tổng doanh thu trong khi tiềm năng tăng trưởng của các dòng sản phẩm hấp dẫn hiện tại đã bị khai thác quá nhiều?”
Có nhiều vị lãnh đạo khi thấy doanh nghiệp phát triển mạnh, có doanh thu cao thường không chú trọng đến việc tìm kiếm và phát triển dòng sản mới, chỉ khi bị cạnh tranh, doanh thu chững lại thậm chí giảm sút từ sản phẩm đã từng là thế mạnh của mình thì họ mới bắt đầu tìm kiếm, phát triển dòng sản phẩm mới. Và như vậy chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị chậm lại trong một thời gian không hề ngắn.
Tiêu chí 3:
“Những nỗ lực nghiên cứu và phát triển của công ty sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quy mô của nó?”
Ở tiêu chí này Fisher đánh giá cao việc nỗ lực nghiên cứu và phát triển của công ty. Nhưng điều đó cần phải dựa trên thực lực tài chính, thế mạnh của doanh nghiệp, bởi lẽ khi chưa được chuẩn bị trước cho sự mở rộng quy mô thì khả năng doanh nghiệp phát triển ngoài tầm kiểm soát, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Lấy ví dụ đơn cử trong thời gian qua (tháng 10 năm 2014) vụ trang web Haivl.com được bán lại cho 24h, và sau đó bị cơ quan nhà nước tịch thu vì vi phạm pháp luật, khi được giải trình chủ Haivl đã chia sẻ do quy mô phát triển của trang web vượt quá tầm kiểm soát của ban quản trị nên để xảy ra tình trạng không kiểm soát được nội dung trang web dẫn tới hậu quả đáng tiếc bị tịch thu giấy phép vĩnh viễn.
Tiêu chí 4:
“Cách thức tổ chức bán hàng của công ty đã hiệu quả chưa?”
Doanh thu cao chưa chắc đồng nghĩa với việc tổ chức bán hàng hiệu quả, đơn giản vì sản phẩm, dịch vụ đó là quá cần thiết, không thể thay thế, hay nhu cầu quá lớn thì doanh số của sản phẩm, dịch vụ đó cao là chuyện có thể hiểu được. Nhưng trong những thời điểm khó khăn, thị trường bão hòa lúc đó nếu không có một cách thức tổ chức bán hàng hiệu quả thì doanh số khó có thể đảm bảo được.
Tiêu chí 5:
“Biên lợi nhuận của công ty có cao không?”
Đây là một chủ đề được giới tài chính coi như xương sống của các quyết định đầu tư bền vững. Trên quan điểm của nhà đầu tư, doanh thu chỉ có giá trị khi làm tăng lợi nhuận. Doanh thu tăng không có nghĩa là lợi nhuận sẽ tăng lên tương ứng. Bước đầu tiên để xác định lợi nhuận là nghiên cứu biên lợi nhuận của công ty, tức là xác định lợi nhuận hoạt động có được từ doanh thu tính theo đô-la.
Rõ ràng có sự khác biệt lớn giữa các công ty khác nhau ngay trong cùng một ngành. Nên tiến hành bước nghiên cứu này không chỉ trong một năm mà là nhiều năm. Trong thời kỳ thịnh vượng khác thường của ngành, hầu hết các công ty đều có biên lợi nhuận rộng hơn, do đó tổng lợi nhuận tính bằng đô-la cũng cao hơn. Tuy nhiên, trong những năm thuận lợi, chính các công ty có biên lợi nhuận nhỏ hơn lại luôn luôn có tỷ lệ tăng biên lợi nhuận nhiều hơn so với các công ty có chi phí thấp (biên lợi nhuận của các công ty này cũng tăng nhưng không cao bằng). Chính điều này dẫn đến thực tế là trong một năm kinh doanh thuận lợi khác thường, những công ty yếu thế thường gia tăng phần trăm thu nhập cao hơn những công ty mạnh trong cùng lĩnh vực. Dù vậy, cần phải nhớ rằng, những thu nhập kiếm được nhanh chóng theo kiểu như vậy dễ bị sụt giảm khi hoạt động kinh doanh đi xuống.
Tiêu chí 6:
“Công ty đang làm gì để duy trì hoặc cải thiện biên lợi nhuận?”
Một công ty nếu đã có lợi nhuận thì cũng không nên tự bằng lòng với những gì mình đạt được, bởi thương trường như chiến trường, nếu doanh nghiệp không tự mình cải tiến và nâng cao năng lực thì sẽ có đối thủ làm điều đó.
Tiêu chí 7:
“Mối quan hệ giữa bộ máy lãnh đạo và người lao động trong công ty có tốt không?”
Nhiều nhà đầu tư thường không chú trọng đến khía cạnh này nhiều. Nhưng với Fisher thì đây lại là một trong những tiêu chí quan trọng để chọn mua cổ phiếu. Thông tin này nhà đầu tư có thể tìm hiểu qua tổ chức công đoàn của doanh nghiệp hoặc tìm hiểu các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Tiêu chí 8:
“Đội ngũ lãnh đạo công ty có đoàn kết, đồng thuận cao không?”
Trên cùng một con thuyền bị lênh đênh trên biển không có định hướng nếu như các thuyền viên không đoàn kết với nhau mà mỗi người muốn đi về một hướng khác nhau thì bạn có thể hiểu được mức độ nguy hiểm ra sao rồi đấy ?
Tiêu chí 9:
“Công ty có thật sự có chiều sâu quản lý không?”
“Một doanh nghiệp nhỏ có thể làm nên những điều phi thường và trở thành một khoản đầu tư triển vọng trong dài hạn nếu có những yếu tố thuận lợi kết hợp với sự quản lý của một người đầy năng lực. Tuy nhiên, năng lực con người có hạn, vì vậy, thậm chí với cả những công ty nhỏ, nhà đầu tư cũng nên có một vài giải pháp đề phòng những khả năng xấu có thể xảy ra nếu người nắm giữ vị trí chủ chốt không còn tham gia nữa. Ngày nay, rủi ro đầu tư vào các công ty nhỏ có tiềm năng không còn lớn như trước, do gần đây xuất hiện các công ty lớn với nhiều kinh nghiệm quản lý có khuynh hướng thôn tính chúng.
Tuy nhiên, những công ty đáng đầu tư lâu dài là những công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng. Sớm hay muộn thì một công ty sẽ đạt đến ngưỡng mà ở đó, nó sẽ không thể phát triển hơn nữa trừ khi có những nhà điều hành tài năng xuất chúng. Thời điểm xảy ra điều này tùy thuộc vào ngành hoạt động của công ty và trình độ quản lý của nhà điều hành.”
Tiêu chí 10
“Công ty có kiểm soát tốt hệ thống kế toán và phân tích chi phí không?”
Lợi nhuận = Doanh thu – chi phí
Một doanh nghiệp ngoài việc tăng doanh thu thì việc cắt giảm chi phí là điều tối quan trọng. Rất nhiều nhà đầu tư thườn hay nhìn vào mức tăng doanh thu hàng năm nhưng ít để ý đến khoản chi phí kèm theo và như vậy nếu muốn đánh giá một doanh nghiệp thì cần chú ý cả doanh thu lẫn chi phí.
Tiêu chí 11:
“Công ty có chú ý đến những khía cạnh kinh doanh khá khác biệt với tính chất của ngành, những khía cạnh mang lại cho nhà đầu tư đầu mối quan trọng về mức độ nổi trội của công ty so với đối thủ cạnh tranh không?”
Tiêu chí 12:
“Công ty có triển vọng lợi nhuận ngắn hạn và dài hạn như thế nào?”
“Một số công ty sẽ hoạt động nhằm đạt được lợi nhuận tối đa trước mắt. Trong khi đó, những công ty khác lại cắt bớt lợi nhuận trước mắt nhằm xây dựng lòng tin, và do đó có thể thu được những khoản lợi nhuận lâu dài. Cách cư xử giữa người bán và người mua cho thấy rõ điều này. Một số công ty thỏa thuận lỏng lẻo với các nhà cung cấp. Công ty khác thì lại chi trả tiền trước, thậm chí là vượt mức giá cho các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô, hoặc những phụ kiện có chất lượng cao luôn sẵn có kể cả khi thị trường biến động. Sự khác biệt trong cách cư xử với các khách hàng là dễ nhận thấy nhất. Một công ty chấp nhận rắc rối và phí tổn đặc biệt để chăm sóc nhu cầu của một khách hàng thường xuyên đang rơi vào tình trạng khó khăn, sẽ khiến lợi nhuận trước mắt thấp hơn nhưng lại thu được lợi nhuận cao hơn trong dài hạn.”
Tiêu chí 13:
“Trong tương lai, nếu công ty có dự tính tăng trưởng dựa trên việc tăng vốn cổ phần bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, thì lợi ích của các cổ đông hiện tại có giảm sút không?”
Tiêu chí 14:
“Bộ máy quản lý công ty có luôn minh bạch với các nhà đầu tư về tình hình công ty khi nó hoạt động tốt nhưng lại che giấu khi có vấn đề?”
Tiêu chí 15:
“Bộ máy quản lý công ty có liêm khiết không?”
“Bộ máy quản lý của công ty tiếp xúc cận kề với tài sản hơn các cổ đông. Có nhiều cách lách luật để các nhà quản lý công ty có thể tư lợi cho họ và gia đình, làm tổn hại đến lợi ích của các cổ đông bình thường. Có một cách là tự chi trả tiền công vượt mức. Cách khác là lợi dụng chức vụ để bắt công ty mua hoặc thuê lại những tài sản của chính họ với mức giá cao hơn hẳn mức giá chung của thị trường.
Trong những tập đoàn nhỏ hơn, sẽ khó có thể phát hiện ra điều này bởi đôi khi gia đình hoặc các nhân sự chủ chốt mua bán và thuê mướn bất động sản, không phải vì những mục đích kiếm lợi bất chính, mà vì mong muốn chính đáng là giải phóng nguồn vốn hoạt động bị giới hạn cho những mục đích của công ty khác.”
Trên đây là 15 tiêu chí chọn một cổ phiếu thường để có thể tạo ra được lợi nhuận phi thường. Các bạn cũng có thể tìm mua cuốn “Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường” tại các nhà sách hoặc tại công ty GFB để tìm hiểu chi tiết. GFB chúc các nhà đầu tư có thể học hỏi và áp dụng vào sự nghiệp đầu tư của mình để thu về những thành quả tương tư như Philip A. Fisher, Warren Buffett…
Nguồn: Sưu tầm